Trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực tài chính, kế toán
(BKTO) - Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) vừa qua đưa ra lời kêu gọi các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kế toán cần tận dụng những lợi ích trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại, đặc biệt sử dụng AI có trách nhiệm.
IFAC nhấn mạnh, AI đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, do đó nhu cầu thử nghiệm và sử dụng AI ngày càng trở nên quan trọng đối với các bộ phận tài chính và kế toán nhằm nâng cao giá trị kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả cho doanh nghiệp. AI có tiềm năng biến đổi hoạt động tài chính, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra những hạn chế và thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo việc sử dụng AI có trách nhiệm.
Để nắm bắt cơ hội và giải quyết thách thức khi sử dụng AI trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, Nhóm tư vấn Kế toán chuyên nghiệp trong doanh nghiệp của IFAC đã tổ chức một hội thảo về AI tại Thủ đô Cape Town của Nam Phi.
Hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào việc tăng cường vai trò của lĩnh vực tài chính, kế toán kết hợp sử dụng AI, đồng thời hỗ trợ các chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhóm tư vấn cũng thảo luận về cách các tổ chức tài chính, kế toán đang sử dụng AI, ý nghĩa của AI đối với nghề kế toán toàn cầu và các tổ chức kế toán chuyên nghiệp.
Tham dự hội thảo, ông Alistair Brisbourne - Trưởng phòng Nghiên cứu công nghệ của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) đã chia sẻ những hiểu biết về vai trò ngày càng lớn của lĩnh vực tài chính và việc ứng dụng ngày càng nhiều các loại AI khác nhau.
ACCA cũng từng thực hiện một cuộc khảo sát và cho thấy, gần 1/5 số chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kế toán được hỏi đã áp dụng AI dưới các hình thức khác nhau. Nhìn chung, họ đều có thái độ tích cực đối với AI và đã ứng dụng những lợi ích tiềm năng của AI. ACCA cho rằng, tập trung vào AI tạo sinh và các mô hình ngôn ngữ lớn sẽ là bước phát triển tiếp theo của AI.
Ông Alistair Brisbourne dẫn chứng về nhiều khoản đầu tư lớn các hãng kiểm toán lớn nhất toàn cầu đang thực hiện để nắm bắt lợi ích từ AI như khoản đầu tư 1 tỷ USD của hãng kiểm toán PwC vào AI tạo sinh trong 3 năm; sự hợp tác của hãng KPMG với Tập đoàn Microsoft về AI và dịch vụ đám mây trong 5 năm…
Bên cạnh đó, ông Alistair cũng thảo luận về sự phức tạp và thách thức của việc cải thiện các mô hình ngôn ngữ lớn cũng như những rủi ro tiềm ẩn AI mang tới, đặc biệt mối lo ngại về độ chính xác, tin cậy của các mô hình này khi chúng ngày càng phát triển nhanh chóng. Ông Alistair đã dẫn chứng các ví dụ để chỉ ra những hạn chế của các mô hình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần có cơ chế phát hiện sai sót kịp thời.
Để tăng cường sử dụng AI, Nhóm tư vấn nhấn mạnh các tổ chức cần thực hiện một số nhiệm vụ bao gồm: thử nghiệm AI, bắt đầu từ quy mô nhỏ và dần mở rộng quy mô lớn hơn; bảo vệ dữ liệu trong môi trường khép kín; tăng cường đào tạo để nâng cao năng lực nội bộ và chuyên môn; đánh giá những thách thức liên quan đến vấn đề đạo đức.
IFAC nhấn mạnh, việc tăng cường sử dụng AI trong tài chính và kế toán sẽ đòi hỏi một nền văn hóa không ngừng đổi mới và học hỏi, cũng như các kỹ năng và hiểu biết về AI. Điều này bao gồm kỹ năng học hỏi để thử nghiệm AI; hiểu biết về bối cảnh của tổ chức và môi trường giúp đảm bảo rằng AI được sử dụng thích hợp; tư duy phản biện và khả năng phán đoán chuyên nghiệp, đặc biệt khi diễn giải và phân tích kết quả từ các mô hình AI; sự hiểu biết về kỹ thuật số; trí tuệ cảm xúc và kỹ năng xã hội mà AI không thể thay thế; nền tảng đạo đức…/.
(Theo IFAC và tổng hợp)