Thu hẹp diện hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng 5%.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ, đồng thời bỏ 2 loại hàng hóa.
Ổn định về tỷ trọng thu thuế giá trị gia tăng
Qua 15 năm thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã đạt được các kết quả quan trọng. Trong đó, đáng lưu ý, từ năm 2013 đến năm 2022, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới nhưng số thu về thuế GTGT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu thuế GTGT trong tổng số thu ngân sách nhà nước.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu ngân sách nhà nước cũng như chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế. Cụ thể: Năm 2014 khoảng 26,9%, năm 2019 khoảng 23,3%, năm 2020 khoảng 22,7%, năm 2021 khoảng 23,6% (năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), năm 2022 khoảng 24,5%.
Luật Thuế GTGT đã giảm bớt các nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế, tạo điều kiện cho việc tính thuế, khấu trừ thuế được liên hoàn giữa các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, luật hiện hành đã sắp xếp, điều chỉnh hợp lý hơn các nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% và 10%. Các chính sách nêu trên đã góp phần nâng cao sự minh bạch về chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý của cả cơ quan thuế và người nộp thuế.
Tuy nhiên, nhằm hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT, Bộ Tài chính đã đề xuất thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng thời bỏ 2 loại hàng hóa.
Cụ thể: bỏ 3 nhóm hàng hóa (thực phẩm tươi sống, lâm sản chưa qua chế biến; đường, phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn; hoạt động văn hóa, hoạt động triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim) và 2 loại hàng hóa, dịch vụ (nhựa thông sơ chế; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học).
Chuyển một số hàng hóa sang mức thuế 10%.
Về đối tượng áp dụng thuế suất 0%, Bộ Tài chính bổ sung quy định “công trình xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài, trong khu phi thuế quan” là hàng hóa xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật.
Ngoài ra, bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật, gồm: thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.
Dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% như sau: dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế hoặc thông qua đại lý.
Về đối tượng áp dụng thuế suất 5%, dự thảo luật bổ sung quy định: không áp dụng thuế suất 5% đối với các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác; thuốc bảo vệ thực vật thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; “mủ cao su dạng mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%.
Ngoài ra, dự thảo luật quy định một số loại hàng hóa chuyển từ thuế suất 5% sang 10%, như: bỏ quy định “nhựa thông sơ chế”, “lâm sản chưa qua chế biến” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% (sang áp dụng mức thuế suất 10%) để thu gọn đối tượng chịu thuế GTGT 5% cũng như hạn chế khai thác rừng tự nhiên. Bỏ quy định mặt hàng “đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất GTGT 5% (sang áp dụng thuế suất GTGT 10%)...
Theo Bộ Tài chính, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc áp dụng thuế suất như sau: luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại thông tư: Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất GTGT khác nhau (bao gồm cả đối tượng không chịu thuế GTGT) phải khai thuế GTGT theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ. Nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, phế phẩm, phụ phẩm, phế liệu được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra áp dụng mức thuế suất theo thuế suất của mặt hàng phế phẩm, phụ phẩm, phế liệu bán ra.
Với các nội dung sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên, dự thảo luật đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng thời bỏ 2 loại hàng hóa.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đạt đa mục tiêu, từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế, cho đến tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế./.
Việc sửa luật được đặt ra thời điểm này do thực hiện yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế hội nhập trước mắt cũng như lâu dài đặt ra; tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thuế GTGT hiện hành. |
12/03/2024