Tăng cường hoạt động kiểm toán để kịp thời phát hiện, ngăn chặn gian lận thuế
(BKTO) - Nhấn mạnh công tác kiểm toán đã góp phần quan trọng vào hiệu quả quản lý thuế, trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) mong muốn Kiểm toán nhà nước (KTNN) tiếp tục kiểm toán sâu vào lĩnh vực này, qua đó kịp thời kiến nghị bất cập về cơ chế chính sách, những vi phạm trong thu, nộp thuế; từ đó đưa ra những kiến nghị phù hợp, xác đáng và thuyết phục.
Ông Nguyễn Văn Phụng. Ảnh: N. LỘC
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hoạt động kiểm toán công tác quản lý thuế của Kiểm toán nhà nước trong thời gian qua?
Kiểm tra, kiểm toán, đánh giá công tác thu, chi ngân sách nhà nước là nhiệm vụ được KTNN triển khai hằng năm. Bên cạnh kiểm toán tại cơ quan thuế, Bộ Tài chính, hải quan…, KTNN còn tổ chức kiểm toán các chuyên đề như công tác hoàn thuế, công tác thu tiền sử dụng đất để đi sâu vào từng khía cạnh liên quan đến công tác quản lý thuế nói chung.
Qua theo dõi kết quả kiểm toán được KTNN công khai cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, những nỗ lực trong công tác thu ngân sách thì công tác thu thuế còn một số vấn đề đặt ra như tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được KTNN chỉ ra và kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước. Trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế còn tình trạng một số cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế chưa đầy đủ; chưa kiểm tra đầy đủ các loại hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế lựa chọn kiểm tra tại cơ quan thuế theo quy định.
Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra, việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất vẫn còn tình trạng đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất, chưa xử lý thu hồi đất thuê theo quy định đối với các trường hợp tổ chức cá nhân được nhà nước cho thuê đất đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhiều năm; chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất; xác định giá đất hoặc vị trí thửa đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp với quy định.
Đặc biệt, còn trường hợp miễn, giảm tiền thuê đất không đúng đối tượng; miễn tiền thuê đất vượt thời gian quy định; giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định; tình trạng nợ thuế vẫn gia tăng…
Từ những bất cập, sai phạm được KTNN chỉ ra, dưới góc độ một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thuế, ông có đề xuất giải pháp gì nhằm hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, nhất là trong bối cảnh Quốc hội sắp tới sẽ xem xét việc sửa đổi một số luật thuế?
Cái hay của kiểm toán là chỉ ra hiện trạng, đúng tình hình tại các đơn vị được kiểm toán, từ đó đối chiếu, so sánh với các quy định của pháp luật để phát hiện ra sai phạm. Như vậy, tôi cho rằng, dựa trên cơ sở báo cáo kiểm toán cũng như kết luận thanh tra, chúng ta phải đi sâu hơn nữa để phân tích dữ kiện, số liệu sau kiểm toán liên quan đến những thiếu sót, bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý thuế được chỉ ra. Cùng với đó, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân của các vấn đề bất cập, do khâu thực thi hay lỗi ở quy định, chính sách. Nếu nguyên nhân xuất phát từ chính sách, pháp luật thì chúng ta phải sửa quy định có liên quan. Còn nếu do khâu thực thi thì phải chỉ rõ là vướng ở đâu, trách nhiệm ra sao?
Chẳng hạn, trước đây doanh nghiệp được quyền lựa chọn 3 phương thức hóa đơn là hoá đơn giấy, hoá đơn điện tử, hoá đơn tự in. Tuy nhiên, qua kiểm toán cũng như thanh tra của cơ quan thuế đã phát hiện rất nhiều vi phạm, trục lợi trong sử dụng hóa đơn giấy. Để khắc phục vấn đề này, chúng ta có hoá đơn điện tử áp dụng từ ngày 01/7/2022, qua đó giúp hạn chế gian lận. Mặc dù vậy, gần đây lại xuất hiện tình trạng trục lợi kiểu mới như cơ sở kinh doanh, dịch vụ bán hàng xong lại tự ý hủy hóa đơn đã kê khai thuế, khiến cho bên mua gặp không ít rắc rối với cơ quan thuế…
Mặt khác, thời gian vừa qua chúng ta không có kết nối dữ liệu giữa các cơ quan chức năng với nhau, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận dữ liệu phục vụ cho thực hiện nhiệm vụ của các bên. Nhưng tới đây, tôi tin rằng với Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với quy định về chuyển giao dữ liệu hoá đơn điện tử, chúng ta kết nối được và sẽ kiểm soát được chặt chẽ vấn đề này. Điều quan trọng là các cơ quan phải chủ động phối hợp chặt chẽ để chia sẻ thông tin kịp thời, đảm bảo theo quy định.
Trong tổ chức thực thi, các cơ quan của Chính phủ có chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý phải dựa trên quan điểm là đồng thuận và vì mục đích chung; tránh tình trạng “chín người mười ý”, mỗi cơ quan đều viện lý do khiến công tác phối hợp chia sẻ, cung cấp thông tin gặp khó khăn.
Vậy theo ông, ở góc độ cơ quan kiểm toán, KTNN cần làm gì để nâng cao hiệu quả kiểm toán lĩnh vực thuế cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản lý thuế?
Luật Quản lý thuế đã quy định, cơ quan KTNN, thông qua kiểm toán có quyền kiến nghị về tăng thu, xử lý tài chính, cũng như kiến nghị về cắt giảm đầu tư dựa trên hồ sơ của cơ quan tài chính, hồ sơ cơ quan thuế. Để thực hiện được kiến nghị đó thì tôi nghĩ rằng cả cơ quan thuế và KTNN cần phải thay đổi cách làm.
Trước đây, với những trường hợp KTNN có kiến nghị xử lý, cơ quan thuế mời đối tượng được KTNN chỉ ra lên lập biên bản và ra quyết định xử phạt. Cách làm như vậy là chưa đúng quy trình nên dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp khởi kiện, khiếu nại quyết định của cơ quan thuế. Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, tôi được biết là quy trình xử lý đã có sự thay đổi. Theo đó, khi cơ quan thuế nhận được kiến nghị nêu trong báo cáo kiểm toán thì đồng thời KTNN phải gửi trích lục đó cho đối tượng có liên quan. Trên cơ sở kiến nghị kiểm toán, cơ quan thuế phải thực hiện thanh tra, kiểm tra để xác định rõ, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp, cũng như thực hiện kiến nghị của KTNN. Trong quá trình đó, nếu cơ quan nào kiến nghị, xử lý sai thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, về phía KTNN cũng đã có rất nhiều đổi mới trong công tác kiểm toán. Điển hình là KTNN đã tăng cường hoạt động trao đổi, tiếp nhận ý kiến của đơn vị được kiểm toán, cũng như kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán từ sớm, đồng thời có những quy định nhằm tăng cường minh bạch công khai trong quá trình kiểm toán.
Đây là những điểm rất tích cực mà KTNN cần phát huy để làm tốt hơn nữa công tác kiểm toán nói chung cũng như kiểm toán đối với lĩnh vực thuế nói riêng, đặc biệt là trong việc phát hiện kịp thời những bất cập về cơ chế chính sách, vi phạm trong thu, nộp thuế để đưa ra những kiến nghị phù hợp, xác đáng và thuyết phục.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Nguồn: baomoi.com