Xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp với thông lệ quốc tế

   Tại Hội nghị công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 3 và định hướng hoàn thiện pháp luật kế toán trong khu vực công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, để có thông tin báo cáo tài chính nhà nước tin cậy, hiệu quả đặt ra yêu cầu phải xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

   Ngày 10/7, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 3 và định hướng hoàn thiện pháp luật kế toán trong khu vực công.

   Tham dự tại điểm cầu Thái Lan, có bà Patricia Mc Kenzie - Giám đốc Quản trị và Quản lý Tài chính khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB).

   Tại điểm cầu Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) - ông Vũ Đức Chính; Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước - bà Trần Thị Huệ, cùng gần 200 đại biểu đến từ: Kiểm toán Nhà nước; các bộ, ngành; các tổ chức quốc tế; cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; 11 sở tài chính, kho bạc nhà nước khu vực phía Bắc; các cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp;...

Việt Nam công bố 16 chuẩn mực kế toán công

   Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng, để có thông tin báo cáo tài chính nhà nước tin cậy, hiệu quả đặt ra yêu cầu phải xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

   Từ đó có cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy trình và nội dung thông tin của các báo cáo tài chính nhà nước, đảm bảo việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác và minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý của Chính phủ, góp phần xây dựng nền tài chính của quốc gia an toàn, bền vững. Đồng thời đáp ứng yêu cầu tăng cường giám sát từ các cơ quan dân cử, từ các tổ chức xã hội và người dân, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đức Minh

   Thông tin tại hội thảo, Thứ trưởng cho biết, đến nay Bộ Tài chính đã có 3 đợt công bố chuẩn mực kế toán công Việt Nam (VPSAS), trong đó năm 2021 công bố 5 chuẩn mực, năm 2022 công bố 6 chuẩn mực; năm 2024 công bố 5 chuẩn mực.

   Như vậy, tổng số chuẩn mực kế toán công Việt Nam được công bố đến nay là 16 chuẩn mực, là khuôn khổ pháp luật quan trọng, thống nhất. Trên cơ sở đó các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, đào tạo, phổ biến nội dung chuẩn mực kế toán công Việt Nam, vận dụng các thông lệ tốt, phù hợp để làm căn cứ đề xuất và tham mưu các cấp có thẩm quyền về việc cải cách cơ chế chính sách trong khu vực công của Việt Nam, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh.

   Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, song song với việc công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam để tiếp thu các với thông lệ tốt của quốc tế, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán để năm 2024 sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật kế toán đảm bảo các quy định đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin tài chính - kế toán, đặc biệt là thông tin tài chính trong khu vực công.

 

Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Việt Nam. Ảnh: Đức Minh

   Thứ trưởng mong muốn, để tổ chức thực hiện các giải pháp của Chiến lược Kế toán, Kiểm toán đến năm 2030, trong thời gian tới, Bộ Tài chính mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp và hỗ trợ kỹ thuật từ phía các nhà tài trợ, chuyên gia quốc tế và trong nước để triển khai thực hiện thành công, có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược này, trong đó có hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam và việc hoàn thiện pháp luật kế toán trong khu vực công.

Đưa các chuẩn mực đi vào thực tế

   Đánh giá cao Bộ Tài chính đã công bố các VPSAS, bà Patricia Mc Kenzie nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã có bước đi táo bạo trong việc công bố đợt 3 VPSAS. Các chuẩn mực này đều dựa trên cơ sở phù hợp với chuẩn mực kế toán công quốc tế, cũng như lộ trình đã được Bộ Tài chính Việt Nam ban hành giai đoạn 2020-2024.

   Bà Patricia Mc Kenzie cho rằng, so với các quốc gia ở Đông Nam Á - Thái Bình Dương, ở toàn cầu, thì việc công bố đợt 3 VPSAS là cột mốc quan trọng của Việt Nam, không chỉ thể hiện năng lực chuyên môn mà còn là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đi đầu trong lĩnh vực này.

Bà Patricia Mc Kenzie - Giám đốc Quản trị và Quản lý Tài chính khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB phát biểu. Ảnh: Đức Minh

   Theo quan điểm của bà Patricia Mc Kenzie, việc sử dụng báo cáo tài chính nhà nước để hài hòa hóa, trao đổi thông tin về chi tiêu, thu ngân sách nhà nước, tài sản công… đóng vai trò quan trọng để tăng trách nhiệm giải trình. Như vậy, so với các quốc gia, qua việc công bố các chuẩn mực kế toán công, Việt Nam đã đặt ra nền móng để có nền tài chính minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn.

   “Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện chương trình xây dựng chuẩn mực kế toán công nhưng đã phải tạm dừng hoặc từ bỏ do mức độ khó khăn trong công việc. Nhưng Việt Nam đã đi được quãng đường khá xa từ 2019 đến nay, thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo cao của cơ quan điều hành cho nhưng ưu tiên chiến lược để sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả” - bà Patricia Mc Kenzie đánh giá.

   Đại diện WB nhận định, việc ban hành VPSAS còn tạo tác động lan tỏa đến các hoạt động thu hút đầu tư, nhất là tới khu vực đầu tư tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Bởi những chuẩn mực của kế toán khu vực công tăng cường chất lượng các báo cáo tài chính của Chính phủ, giúp nhà đầu tư thêm tin tưởng và tạo động lực thúc đẩy đầu tư.

   Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau khi ban hành các chuẩn mực kế toán khu vực công thì còn nhiều việc phải làm để đưa các chuẩn mực này đi vào hoạt động thực tế. Đại diện WB đã nhấn mạnh đến công tác đúc rút kinh nghiệm trong triển khai, để vừa giải quyết những điểm nghẽn, vừa tìm giải pháp phù hợp với các thông lệ quốc tế.

   Theo ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), số lượng đơn vị kế toán công rất lớn, quy mô và điều kiện hoạt động có sự khác biệt. Vì vậy để đảm bảo tính khả thi, sau khi được ban hành, Chuẩn mực kế toán công sẽ là các khuôn mẫu, nguyên tắc có tính mực thước để ban hành các chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước theo quy định của pháp luật kế toán.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về tổ chức bộ máy kế toán, xác định đơn vị báo cáo và một số nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi liên quan đến đơn vị báo cáo cần cung cấp thông tin cho lập báo cáo tài chính nhà nước; thảo luận về việc tổ chức bộ máy kế toán tại địa phương, đồng thời nêu vướng mắc tại các địa phương trong việc thu thập thông tin lập báo cáo tài chính nhà nước.

 

 

Đức Minh

11/07/2024