Mở thêm ngành kiểm toán - sự lựa chọn táo bạo?

Mở thêm ngành kiểm toán - sự lựa chọn táo bạo?

(BKTO) - Khi mở thêm mã ngành kiểm toán trong bối cảnh “nở rộ” tuyển sinh ngành nghề này, các đại học, học viện có sẵn sàng tâm thế cạnh tranh với những trường vốn được coi là “cái nôi” đào tạo kiểm toán viên lâu năm?

Thêm hai trường mở ngành kiểm toán

Năm 2024, một cơ sở đào tạo vốn có thế mạnh về các ngành nghề thuộc khối kỹ thuật là Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXD) lại quyết định mở thêm ngành kiểm toán đầu tư xây dựng - một ngành học thuộc khối kinh tế và bắt đầu tuyển sinh trong năm nay.

Việc mở một mã ngành tưởng chừng là “tay trái” của Trường được PGS,TS. Nguyễn Quốc Toản - Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, ĐHXD - lý giải với phóng viên Báo Kiểm toán: Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường. Theo báo cáo của các công ty kiểm toán độc lập cuối năm 2023, có tới 1/4 doanh thu đến từ kiểm toán đầu tư xây dựng, trong khi đó, nhân sự lại không chính quy.

Kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực do Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng thực hiện (đối tượng khảo sát gồm: các đơn vị, trong đó có Kiểm toán nhà nước, các doanh nghiệp kiểm toán và các cá nhân theo chức vụ/nghề nghiệp) cho thấy, nhu cầu nhân lực kiểm toán đầu tư xây dựng là cấp thiết (chiếm 100%, trong đó, 94% đánh giá rất cấp thiết). Thực tế cho thấy, hiện nay ở Việt Nam, mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên ngành kế toán, kiểm toán tốt nghiệp nhưng lực lượng này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Cũng theo PGS, TS. Nguyễn Quốc Toản, hiện nay, kiểm toán đầu tư xây dựng là ngành rất phổ biến, được đào tạo ở nhiều trường đại học trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, có thu nhập cao. Trong khi đó, tại Việt Nam, các trường có chuyên ngành kiểm toán mới chỉ tập trung đào tạo kiểm toán báo cáo tài chính, chưa có bất kỳ cơ sở nào đào tạo chuyên sâu về kiểm toán đầu tư xây dựng.

Khi mở chuyên ngành này, điều thuận lợi là Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng đã có nền tảng về chương trình đào tạo liên quan đến kinh tế, đầu tư và quản lý xây dựng. Đặc biệt, chuyên ngành này được lãnh đạo các công ty kiểm toán quan tâm, cam kết đầu ra cũng như tạo điều kiện để các sinh viên có thể thực tập tại doanh nghiệp.

Việc mở chuyên ngành kiểm toán đầu tư xây dựng trong giai đoạn hiện nay nhằm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực kiểm toán đầu tư xây dựng, đặc biệt là nguồn nhân lực kiểm toán đầu tư xây dựng chất lượng cao cho các công ty kiểm toán, Kiểm toán nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PGS,TS. Nguyễn Quốc Toản

Cùng với ĐHXD, Học viện Ngân hàng (HVNH) cũng đã chính thức tuyển sinh ngành kiểm toán trong năm học 2024. Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, PGS,TS. Lê Thị Thu Hà - Phó Trưởng Khoa Kế toán - Kiểm toán của Học viện -cho biết: Việc mở ngành kiểm toán xuất phát từ nhu cầu về nguồn nhân lực. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, yêu cầu về hoạt động kiểm toán để tăng tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Theo Chiến lược phát triển ngành kế toán, kiểm toán đến năm 2030, số lượng doanh nghiệp kiểm toán dự kiến sẽ tăng lên và nhu cầu về kiểm toán viên có trình độ chuyên môn, có chứng chỉ nghề nghiệp cũng ngày càng cao.

Kết quả khảo sát của HVNH cũng cho thấy, nhu cầu và nguyện vọng theo học ngành kiểm toán khá lớn. Mặt khác, việc mở ngành kiểm toán còn nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các chương trình đào tạo trong Chiến lược phát triển của Học viện.

Khi xây dựng ngành kiểm toán thành một ngành riêng biệt, chúng tôi đã có sẵn đội ngũ giảng viên với nhiều kinh nghiệm và sẽ phát triển thêm nội dung các môn học mới dựa trên nền tảng đã có. Như vậy, việc mở ngành này đã có những điều kiện chín muồi. PGS,TS. Lê Thị Thu Hà khẳng định

Khi xây dựng ngành kiểm toán thành một ngành riêng biệt, chúng tôi đã có sẵn đội ngũ giảng viên với nhiều kinh nghiệm và sẽ phát triển thêm nội dung các môn học mới dựa trên nền tảng đã có. Như vậy, việc mở ngành này đã có những điều kiện chín muồi.

PGS,TS. Lê Thị Thu Hà khẳng định

Sẵn sàng đối mặt với áp lực cạnh tranh

Có thể thấy, nhu cầu của thị trường, thông lệ quốc tế, các môn học mang tính ưu thế của cơ sở đào tạo, cam kết đầu ra của một số doanh nghiệp… là những yếu tố thuận lợi, những điều kiện chín muồi để ĐHXD hay HVNH mở mã ngành kiểm toán. Điều này cũng tạo thêm cơ hội cho các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành kiểm toán - một ngành học “hot” với điểm trúng tuyển tương đối cao những năm gần đây.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Khi quyết định mở ngành kiểm toán, các trường đại học này đã tính tới áp lực phải cạnh tranh với những trường đã có nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo ngành kiểm toán hay chưa? Liên quan đến vấn đề này, PGS, TS. Nguyễn Quốc Toản cho biết: Khi xác định mở ngành kiểm toán đầu tư xây dựng, ĐHXD đã điều tra nhu cầu thị trường, tính toán đến sự cạnh tranh từ các trường bạn.

ĐHXD cũng nhận diện rõ những điều kiện thuận lợi cũng như những thách thức phải đối mặt, nhất là thách thức trong việc xây dựng chương trình đào tạo đối với các môn học mà nhà trường chưa có thực tế giảng dạy như: thuế, hải quan, kiểm toán nội bộ. Trên cơ sở đó, Trường đã xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị nguồn giảng viên và các điều kiện cần thiết cho ngành học mới. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, thẩm định Chương trình đào tạo, ĐHXD đã tham khảo ý kiến chuyên gia đến từ các công ty kiểm toán và Kiểm toán nhà nước, đảm bảo chương trình bao gồm đầy đủ các khối kiến thức, sát với nhu cầu thị trường.

“Chúng tôi tự tin bởi hiện tại, Việt Nam chưa có cơ sở nào đào tạo về kiểm toán đầu tư xây dựng. Nhà trường hướng đến tập trung đào tạo chuyên sâu về kiểm toán đầu tư xây dựng. Đây sẽ là thế mạnh của ĐHXD so với các trường đã có nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo ngành kiểm toán, hầu hết chỉ tập trung đào tạo kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp. Chúng tôi đảm bảo chương trình đào tạo sát với nhu cầu của thị trường và sẽ xây dựng mạng lưới doanh nghiệp để tìm “đầu ra” cho sinh viên” - PGS,TS. Nguyễn Quốc Toản nói.

Trong bối cảnh một số cơ sở đào tạo mở thêm ngành kiểm toán, để gia tăng khả năng cạnh tranh trong tuyển sinh cũng như giữ vững được thương hiệu đào tạo kiểm toán viên lâu năm, Học viện Tài chính luôn chủ động nắm bắt, rà soát, cập nhật kiến thức, tăng cường các hoạt động tiếp cận thực tế cho sinh viên để đảm bảo chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán sát với yêu cầu của doanh nghiệp.

Viện Kế toán - Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã tích cực học hỏi kinh nghiệm xây dựng những chương trình đạo tạo tiên tiến của các nước trên thế giới. Đặc biệt, Viện là đơn vị tiên phong ở Việt Nam trong việc tích hợp chứng chỉ quốc tế vào chương trình đào tạo. Đây là hướng đi thiết thực để Viện nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút người học.

Tương tự, với HVNH, PGS,TS. Lê Thị Thu Hà chia sẻ: “Khi mở ngành kiểm toán, chúng tôi đã có sự cân nhắc về việc phải cạnh tranh với các cơ sở đào tạo chuyên ngành kiểm toán lâu năm. Tuy nhiên, Học viện cũng khá tự tin về đội ngũ giảng viên với nhiều kinh nghiệm giảng dạy, từng làm việc tại các công ty kiểm toán và thậm chí không ít thầy, cô đã có chứng chỉ quốc tế về kế toán, kiểm toán”.

Cũng theo PGS,TS. Lê Thị Thu Hà, để nâng cao năng lực cạnh tranh với các cơ sở đào tạo khác, khi xây dựng chương trình đào tạo, Học viện đã thực hiện khảo sát với bên liên quan nhằm nắm bắt nhu cầu và đồng thời hợp tác với các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp quốc tế và các doanh nghiệp để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Trên cơ sở đó, Học viện đã nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo với những môn học đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế hiện nay như phân tích dữ liệu trong kinh doanh, kế toán trong môi trường số hay kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin và đặc biệt là kiểm toán báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng - một lĩnh vực mang đặc thù riêng của HVNH và không phải trường đại học nào cũng sẽ đi vào những lĩnh vực như vậy.

“Ưu điểm đó của chương trình đào tạo giúp chúng tôi đủ tự tin để sẵn sàng cạnh tranh với các trường bạn” - PGS,TS. Lê Thị Thu Hà nhấn mạnh./.

 

Nguồn : baokiemtoan .vn