Doanh nghiệp có giao dịch liên kết phải làm gì? [Quan trọng]
Doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ phát sinh một số thủ tục, nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, doanh nghiệp có giao dịch liên kết phải làm gì theo quy định hiện hành? Cùng theo dõi bài viết sau.
1. Kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết
Doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết phải kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III Nghị định 132/2020/NĐ-CP và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (khoản 3 Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP).
Trong đó,
Phụ lục I - Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết.
Phụ lục II - Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ quốc gia.
Phụ lục III - Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ toàn cầu.
Doanh nghiệp có giao dịch liên kết không nộp các phụ lục kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 08 - 15 triệu đồng (theo điểm d khoản 4 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP).
Tuy nhiên, doanh nghiệp lưu ý các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, IV Phụ lục I nhưng phải kê khai căn cứ miễn trừ tại mục I, II Phụ lục I và miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết đối với doanh nghiệp:
- Chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam;
- Áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
=> Khai mục I, II Phụ lục I, không khai mục III, IV Phụ lục I, không làm Phụ lục II, III.
Trường hợp 2: Phải kê khai xác định giá giao dịch liên kết (kê khai đầy đủ Phụ lục I) nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết đối với doanh nghiệp thuộc 01 trong các trường hợp sau:
1- Tổng doanh thu < 50 tỷ đồng và tổng giá trị giao dịch liên kết < 30 tỷ đồng
2- Đã ký thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế và thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế.
3- Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu < 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc ngành nghề:
- Phân phối: Từ 5% trở lên;
- Sản xuất: Từ 10% trở lên;
- Gia công: Từ 15% trở lên.
=> Khai đầy đủ Phụ lục I, không làm Phụ lục II, III.
2. Lưu giữ và cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
Doanh nghiệp có giao dịch liên kết nếu không thuộc trường hợp được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết có trách nhiệm lưu giữ và cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết là các thông tin, tài liệu, số liệu, chứng từ gồm:
- Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết;
- Hồ sơ quốc gia;
- Hồ sơ toàn cầu;
- Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao áp dụng đối với:
Công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ 18.000 tỷ đồng trở lên;
Công ty tại Việt Nam có công ty mẹ tối cao tại nước ngoài mà công ty mẹ tối cao có nghĩa vụ lập Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia theo quy định của nước cư trú mà nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước không có/đình chỉ Thỏa thuận quốc tế về thuế với Việt Nam.
Công ty mẹ tối cao là công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia có quyền kiểm soát, quyền sở hữu trực tiếp/gián tiếp tại các công ty, tổ chức khác của một tập đoàn đa quốc gia, không bị kiểm soát, sở hữu bởi bất kỳ công ty, tổ chức nào khác và báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao không được hợp nhất vào bất kỳ báo cáo tài chính của một công ty, tổ chức nào khác trên toàn cầu (khoản 26 Điều 3 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14).
Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết phải được lập trước thời điểm kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hằng năm và phải lưu giữ, xuất trình theo yêu cầu cung cấp thông tin của Cơ quan thuế.
29/02/2024